Ủy ban nhân dân xã Ninh Hải
Thứ sáu, 17/05/2024

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020)

Thứ hai, 13/09/2021 Đã xem: 5

Ngày 25 tháng 11 năm 2019 Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Luật đã sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức liên quan đến chính sách, đãi ngộ, tuyển dụng công chức; ngạch công chức; xếp loại cán bộ, công chức… và sửa đổi, bổ sung 15/62 điều của Luật Viên chức liên quan đến đánh giá viên chức; ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức, cụ thể như sau:

1. Tại Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức như sau:

1.1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau: "Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”. Bỏ quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội là công chức.

1.2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6. “Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”: Luật sửa đổi, bổ sung đã cụ thể hóa hơn về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý như: Chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ…

1.3. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 và Điều 58 về xếp loại chất lượng cán bộ, công chức. Theo đó, căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, công chức vẫn được phân loại thành 04 mức. Tuy nhiên, mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” đã được sửa đổi là “hoàn thành nhiệm vụ”. Đồng thời kết quả xếp loại chất lượng cán bộ, công chức được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức công tác. 

1.4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34. Phân loại công chức: Theo đó, căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng: Ngoài phân ngạch công chức theo 04 loại (A, B, C, D), Luật sửa đổi còn bổ sung thêm 01 loại khác“đ) Loại đối với ngạch công chức quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 của Luật này theo quy định của Chính phủ.”.

1.5. Sửa đổi, bổ sung Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức: Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung thêm hình thức xét tuyển công chức, ngoài hình thức thi tuyển và quy định cụ thể việc tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển đối với từng nhóm đối tượng công chức. Đồng thời bổ sung thêm đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển là “Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng”. Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức.

1.6. Sửa đổi, bổ sung Điều 39. Tuyển dụng công chức. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung còn sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 39 của Luật cán bộ, công chức “Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý” thành “ c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý”. Đồng thời bổ sung thêm quy định cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức “2. Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả. 3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.”.

1.7. Sửa đổi, bổ sung Điều 44. Nâng ngạch công chức: Theo quy định mới bổ sung thêm hình thức xét nâng ngạch công chức (Luật 2008 chỉ có hình thức thi nâng ngạch); bổ sung thêm nội dung “công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng”

1.8. Sửa đổi, bổ sung Điều 45. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức: Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể chi tiết các tiêu chuẩn, điều kiện công chức dự thi nâng ngạch và các trường hợp được xét nâng ngạch so với Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

1.9. Sửa đổi, bổ sung Điều 46. Tổ chức thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức: Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ Chính phủ quy định thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội (trước đây Luật cán bộ, công chức năm 2008 chỉ quy định Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức và Chính phủ quy định cụ thể về việc thi nâng ngạch công chức).

1.10. Sửa đổi, bổ sung Điều 56. Nội dung đánh giá công chức: Theo Luật sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể các nội dung đánh giá công chức; đặc biệt là trong Luật đã nêu rõ đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Đồng thời quy định cụ thể thời điểm đánh giá công chức.

1.11. Sửa đổi, bổ sung Điều 58. Quy định bổ sung việc xử lý công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không hoàn thành nhiệm vụ: (Luật năm 2008 chưa quy định) và quy định rõ công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn (Luật năm 2008 quy định công chức 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác).

1.12. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 61 như sau:

“a) Trưởng Công an (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14);”.

Như vậy, công chức cấp xã chức danh Trưởng Công an chỉ còn đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Trưởng công an phường, Trưởng công an xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy thì không còn là công chức cấp xã nữa mà sẽ là đối tượng thuộc Lực lượng công an nhân dân.

1.13. Sửa đổi, bổ sung điều 78, 79 về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức: Bổ sung quy định: Cán bộ, công chức bị Tòa án kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Đồng thời quy định hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

1.14. Về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung Điều 80 của Luật cán bộ, công chức năm 2008)

Quy định lại thời hiệu xử lý kỷ luật: 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định nêu trên. Đồng thời quy định việc không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với 04 trường hợp: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

1.15. Quy định về việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (sửa đổi, bổ sung Điều 84 của Luật)

Luật sửa đổi, bổ sung quy định ngoài đối tượng đang là cán bộ, công chức Luật mới còn bổ sung quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật một trong những hình thức “khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật”.

2. Tại Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức

- Luật sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung Điều 25: Về cơ bản vẫn quy định 02 loại hợp đồng làm việc, đó là hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn. Đối với hợp đồng xác định thời hạn thì tăng thời gian từ 36 tháng lên 60 tháng và chỉ áp dụng với viên chức tuyển dụng từ ngày 01/7/2020, trừ trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 và cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo điểm b Khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

- Sửa đổi, bổ sung điểm đ, khoản 1 Điều 29. Về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: Luật sửa đổi, bổ sung thêm trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 41. Về đánh giá viên chức: Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể hơn nội dung đánh giá viên chức và viên chức quản lý và thay cụm từ “phân loại đánh giá” thành “xếp loại chất lượng” viên chức. Theo Điều 41 Luật Viên chức năm 2010 thì việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay đã được quy định rõ theo từng công việc, sản phẩm cụ thể.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 53. Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

Luật Viên chức năm 2010 quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng không phân biệt mức độ vi phạm. Luật sửa đổi, bổ sung quy định thời hiệu xử lý kỷ luật căn cứ vào mức độ vi phạm: 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

Đồng thời bổ sung thêm quy định: Một số trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật như: Viên chức là đảng viên có vi phạm đến mức kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy xác nhận giả hoặc không hợp pháp. Tăng thời hạn xử lý kỷ luật từ 2 tháng lên 90 ngày, trường hợp phức tạp thì từ 4 tháng lên 150 ngày. Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc.”

Danh sách liên quan
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 572511
  • Trực tuyến: 2
  • Hôm nay: 28