NỘI DUNG THUYẾT MINH ĐỒ ÁN KHUNG MẪU THIẾT KẾ NHÀ Ở ĐIỂN HÌNH XÂY DỰNG MỚI TRONG VÙNG LÕI DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN
NỘI DUNG THUYẾT MINH
ĐỒ ÁN KHUNG MẪU THIẾT KẾ NHÀ Ở ĐIỂN HÌNH XÂY DỰNG MỚI TRONG VÙNG LÕI DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN
THẾ GIỚI QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN
- MỞ ĐẦU
1. Tên dự án:
ĐỒ ÁN KHUNG MẪU THIẾT KẾ NHÀ Ở ĐIỂN HÌNH XÂY DỰNG MỚI TRONG VÙNG LÕI DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN.
2. Địa điểm thực hiện dự án:
Áp dụng với các nhà ở xây dựng mới trong vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An - tỉnh Ninh Bình (sau đây gọi tắt là Di sản Tràng An).
3. Chủ đầu tư thực hiện đồ án:
SỞ DU LỊCH NINH BÌNH.
4. Đơn vị tư vấn thiết kế:
CÔNG TY CỔ PHẦN VICC - Địa chỉ: Số 84/190 Trần Phú, phường Nam Thành - thành phố Ninh Bình.
- SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỒ ÁN
1. Lý do thực hiện đồ án
Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía đông nam đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí đặc biệt quan trọng trên các phương diện địa lý - văn hóa - sinh thái; là nơi sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ của núi sông - hang động, mang đậm những giá trị lịch sử -văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam từ thời tiền sử đến thời hiện đại; là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới có ý nghĩa rất đặc biệt, đó là: "Quần thể danh thắng Tràng An". Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, mở xưng Hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Với 42 năm là kinh đô của Đại Cồ Việt, Hoa Lư có một sứ mệnh lịch sử hết sức quan trọng. Di sản mà Nhà nước Đại Cồ Việt, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các bậc tiền nhân để lại và những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua là vô cùng quý giá; là nền tảng vững chắc để cho sự phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư, của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, cũng như các cấp chính quyền và đặc biệt là nhân dân và chính quyền các cấp tại vùng lõi di sản.
Để phát huy hơn nữa những giá trị đó, HĐND đã ra Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030.Sở Du lịch Ninh Bình đã triển khai xây dựng Đồ án: “Khung mẫu thiết kế đối với nhà xây dựng mới trong vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An” làm cơ sở cho việc hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở trong vùng lõi Di sản, từng bước xây dựng không gian kiến trúc phù hợp với cảnh quan của vùng lõi di sản, góp phần bảo tồn những giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống và không gian kiến trúc tại các khu dân cư tập trung và nâng tầm vị thế của di sản, từ đó tạo dựng bản sắc cho không gian kiến trúc cảnh quan vùng lõi di sản. Tạo ra sự phát triển bền vững cho người dân vùng lõi và hấp dẫn du khách tham quan.
Trong vấn đề bản sắc, thì "bản sắc kiến trúc" là những giá trị cốt lõi, những đặc trưng nổi trội và đặc sắc của kiến trúc, mà có thể cảm nhận được rõ ràng, giúp nhận diện một ngôi nhà, một khu phố, hay một thôn xóm và phân biệt nơi này với nơi khác; trong đó, một phần có nguồn gốc tự nhiên như cảnh quan xung quanh, còn phần lớn là do con người ở đó tạo ra trong quá trình xây dựng sinh sống và phát triển. Đó là những nét đặc trưng phản ánh cốt cách tinh thần của cộng đồng dân cư tại một vùng miền xác định, được nhận biết thông qua cách thức họ tổ chức cuộc sống (cư trú, sinh hoạt, lao động sản xuất) và ứng xử với những điều kiện tự nhiên và văn hóa - xã hội cụ thể của địa phương.
Trong sự phát triển của bối cảnh mới, thì các yếu tố về giá trị kiến trúc đã và đang trở thành nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, điển hình như phố cổ Hà Nội, Hội An, Hạ Long, Đà Nẵng…và đặc biệt phố cổ Hoa Lư Ninh Bình.
Kiến trúc và du lịch luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các công trình kiến trúc là thành phần chính để thu hút công chúng và việc thu lợi từ các công trình này bằng các dịch vụ du lịch giúp cho chúng tồn tại bền vững qua thời gian. Nhờ có du lịch mà đời sống người dân được cải thiện và gắn kết hơn với địa phương của mình.
2. Hiện trạng nhà xây dựng trong vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An
- Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An rộng 18 xã (của 05 huyện, thành phố: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và các thành phố Tam Điệp, Ninh Bình,) với diện tích 12.252 ha trong đó có 6.226 ha và vùng đệm rộng 6.026 ha, với nhiều khu dân cư, làng xóm (khoảng 20.000 dân) trong vùng lõi. Tập trung đông với mật độ cao và có ảnh hưởng lớn nhất đến cảnh quan vùng lõi di sản là tại 3 xã: Trường yên , Ninh Hải, và Hoa lư
*) Đặc điểm nổi bật của kiến trúc khu dân cư trong vùng lõi di sản:
- Khu di sản Tràng An, Ninh Bình là vùng đất cổ có chiều sâu lịch sử, chiều rộng không gian và chiều dài quá trình cư trú của con người. Trong đó có nhiều công trình có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt như di tích Cố đô Hoa Lư, các đình, đền, chùa, miếu mạo cổ với số lượng lớn phân bố tập trung trong các làng, xóm như: chùa nhất trụ, chùa Bích Động, đền Thái Vi, đình làng Yên Thành...
(Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng- Trường Yên, Hoa Lư)
(Đền Thái Vi – Ninh Hải, Hoa Lư)
(Đình làng Yên Thành tại xã Trường Yên – Hoa lư)
Đặc biệt trong vùng Di sản Tràng An, nhà ở kiến trúc truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng, theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong vùng lõi Di sản Tràng An còn khoảng trên 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân của huyện Hoa Lư. Những nhà truyền thống này có niên đại khoảng từ 50 năm và lâu đời nhất khoảng hơn 100 năm theo kiểu nhà đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc Bộ với bố cục theo kiểu nhà ngang, 5 gian, 3 gian 2 trái, 3 gian.. với kết cấu khung tường xây gạch bao che, hệ cột vì kèo gỗ, mái lợp ngói, các họa tiết hoa văn trang trí tại bờ mái, cột, vì kèo...
(Nhà cổ trên 50 năm tại xã Trường Yên – Hoa lư)
(Nhà cổ trên 50 năm tại xã Trường Yên – Hoa lư)
(Nhà cổ trên 50 năm tại xã Trường Yên – Hoa lư)